Việc phối họp trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, ĐBQH và đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây mối quan hệ phối hợp hoạt động ngày càng chặt chẽ hơn và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian qua, Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH có sự thống nhất, phối hợp với nhau trong tổ chức TXCT, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cũng từ sự phối hợp này đã tạo điều kiện cho đại biểu dân cử các cấp gặp gỡ, trao đổi nhiều vấn đề, nắm bắt thêm nhiều thông tin và cùng lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri tỉnh nhà, các ý kiến - kiến nghị của cử tri đều được các đại biểu dân cử các cấp tiếp thu và chuyển tải đến các cấp thẩm quyền của Trung ương, địa phương. Đã tạo được mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu với cử tri, giữa các Tổ đại biểu và giữa đại biểu với chính quyền, MTTQ ở địa phương… Các cuộc tiếp xúc cử tri đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã đem lại hiệu quả đáng kể. Chính vì vậy, người dân đã tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp nhiều hơn.

Hội nghị TXCT của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh

Thông thường, các cuộc tiếp xúc là diễn đàn để cử tri phản ánh các vấn đề KT- XH, những bức xúc, băn khoăn ở địa phương; những đại biểu Quốc hội công tác ở Trung ương không thể nắm hết các vấn đề của địa phương để trả lời cử tri, do đó việc phối hợp, trao đổi giữa ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh để có thể xử lý được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trong một cuộc tiếp xúc là việc làm cần thiết. Thực tế cũng cho thấy, nếu Đại biểu HĐND ba cấp và ĐBQH tổ chức tiếp xúc cử tri độc lập thì UBMTTQ các cấp sẽ phải phối hợp tổ chức nhiều lần; cử tri cũng sẽ tham dự nhiều buổi tiếp xúc trong khi tình hình thực tế chưa có vấn đề phát sinh cần phản ánh. Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh duy trì chế độ thông tin hai chiều thường xuyên để hai bên cùng nắm được nội dung vụ việc đã được xem xét, giải quyết đến đâu, có thỏa đáng hay không... để kịp thời thông tin đến cử tri.

Tuy phối hợp chặt chẽ trong quá trình TXCT, nhưng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh vẫn bảo đảm tính độc lập trong hoạt động theo quy định của pháp luật. Những vấn đề cử tri phản ánh mà ĐBQH có thông tin thì trả lời; vấn đề nào đại biểu HĐND tỉnh nắm sâu hơn thì giải đáp để cử tri nắm rõ.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân cũng được lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND quan tâm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc công dân tại một số địa phương trong tỉnh. Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND phối hợp tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, giao Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Dân nguyện phụ trách tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh tiếp công dân và tiếp nhận đơn KNTC, kiến nghị của công dân, xem xét, chuyển đơn theo đúng địa chỉ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời đề xuất với Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh thành lập nhiều Đoàn giám sát, xác minh giải quyết những tranh chấp, khiếu nại tố cáo kéo dài, bức xúc trong nhân dân. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh lựa chọn chuyên đề, chú trọng những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm để phối hợp giám sát, tiến hành xây dựng kế hoạch giám sát, xác định mục đích yêu cầu, nội dung trọng tâm, phương pháp tiến hành giám sát và tổ chức một cuộc giám sát cụ thể tại địa phương... lựa chọn và mời những ngành có liên quan, Thường trực HĐND cấp huyện cùng tham gia giám sát tại địa phương. Với phương pháp phối hợp từ tỉnh đến cơ sở, các cuộc giám sát đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, hoạt động giám sát sâu hơn và cụ thể tới từng lĩnh vực của đời sống xã hội; việc phối hợp giúp các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nắm thêm nhiều thông tin cụ thể, nhằm đánh giá vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó có những kiến nghị xác đáng, thuyết phục nhằm góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống của nhân dân. Báo cáo kết quả giám sát với những ý kiến, kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND được gửi đến các cơ quan địa phưong và các Bộ, ngành Trung ương... Vì vậy, hiệu quả việc phối hợp giám sát cao hơn, thiết thực hơn nhiều so với giám sát độc lập trước đây.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động, để đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn những vấn đề ở địa phương, từ đó có những kiến nghị xác đáng, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan